Hôm nay tớ xin chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức A1 và luyện thi A1. À trước tiên thì tớ xin giới thiệu đôi chút về mình đã. Tớ tên là Mai, đã tốt nghiệp khoa tiếng Đức trường đại học Hà Nội khoá 2012-2016. Dưới đây là những chia sẻ của tớ, bao gồm cả những đúc kết trong quá trình học tập rèn luyện tiếng Đức của bản thân cùng với kinh nghiệm 04 năm đi dạy tiếng Đức mà tớ tự rút ra được.
Trước hết tớ xin nói qua về các trình độ cơ bản trong tiếng Đức, chắc các bạn cũng đã biết rồi, bao gồm 06 mức: A1, A2, B1, B2, C1, C2. Trong đó A1 là cơ bản nhất và C2 là trình độ cao nhất. Tuỳ từng đối tượng và mục đích mà sẽ có những mong muốn, nguyện vọng với các trình độ tiếng Đức khác nhau. Tuy nhiên trong phạm vi bài này, tớ xin chia sẻ kinh nghiệm học và thi với tiếng Đức A1 thôi nhé (cái dễ nhất hehe) cho những người mới bắt đầu.
Đầu tiên phải khẳng định với các bạn một điều rằng, thi tiếng Đức A1 không hề khó đâu. Việc bắt đầu với một ngoại ngữ mới, đặc biệt là tiếng Đức, ban đầu làm các bạn lo lắng. Vì khi mới tiếp xúc với tiếng Đức, các bạn thấy khá bỡ ngỡ khi tiếng Đức khác tiếng Anh, nào thì có mạo từ “der”, “die“, “das“, nào là cách 1,2,3,4, rồi sau này còn phải chia đuôi tính từ… Nhưng yên tâm, đặc biệt đối với các bạn học tốt tiếng Anh, thì điều đó lại càng đơn giản. Tớ xin liệt kê một số bí kíp học và thi A1 nhé.
1. Tập trung học phát âm
Đầu tiên, tớ muốn nhấn mạnh rằng, TIẾNG ĐỨC NÓI NHƯ NÀO THÌ VIẾT NHƯ THẾ, GIỐNG VỚI TIẾNG VIỆT. Do đó, các bạn phải rất chú trọng đến việc học phát âm nhé.
Tớ có quen một số bạn, à mà ngay chính bản thân tớ cũng thế thôi, học xong A1 rồi, ôn luyện toàn ngữ pháp các kiểu rồi mà đến lúc ôn sang luyện nói để thi thì mới ngã ngửa ra, phát âm sai loạn cả lên. Chả hiểu người ta nói gì cả. Các cô toàn bảo sao Mai nói tiếng Đức như nói tiếng Việt ý. Tớ nghe mà vừa buồn cười lại vừa buồn buồn 😆 . Tại mới đầu học, tớ chẳng chú trọng gì đến phát âm đâu, cứ nghĩ học mấy cái âm “ei, ai, ey, ay” đọc là “ai” hay “eu và “äu” đọc là “ɔy” là xong. Cứ qua loa cho xong việc thôi. Sau này khi để ý kĩ một tý, tớ mới thấy đúng thật, sao cái giọng mình nó khó nghe mà buồn cười thế. Hoá ra tớ đã quên mất một điều rất quan trọng khi nói tiếng Đức, để Đức hoá nhất, thì khi nói bất cứ một từ nào tiếng Đức, các bạn không được nuốt bất cứ một âm nào nhé. Phải phát âm hết ra. Đừng coi thường nó.
Rồi chú ý một số âm khó trong tiếng Đức như “ch” chẳng hạn, nó không giống chữ “ch” của Việt Nam đâu nhé. Luyện một tẹo, để ý một chút là được. Thử đi, rồi các bạn sẽ thấy nó thần thánh như thế nào. Thêm một chút ngữ điệu vào câu nữa thì các bạn là gut lắm rồi nhé. À mà phải thật nghiêm khắc khi phát âm ra một từ nào, bởi vì khi phát âm đúng là các bạn đã nói đúng, đồng nghĩa với việc sẽ viết đúng và nghe đúng.
Khi các bạn phát âm sai, thì khi người khác nói ra từ ý đúng thì bạn cũng chả hiểu họ đang nói gì đâu, vì trong đầu bạn đang đinh ninh là từ kia mới đúng mà. Nên hệ quả là dẫn đến việc nghe không hiểu gì hết đấy!
2. Đặt câu với từ mới
Đối với từ mới, thì đừng học mỗi từ ý. Như là danh từ trong tiếng Đức luôn luôn phải viết hoa, và trước danh từ thì có giống, mà người Việt hay gọi là giống đực “der“, giống cái “die” và giống trung “das“.
Các bạn học một danh từ thì các bạn phải học giống của nó, rồi học luôn số nhiều nữa, đừng học là “Tisch là giống đực” mà phải học là “der Tisch“. Và cố gắng phát âm luôn ra, cho quen tai, quen mồm, chứ đừng viết từ mới nhân 03 hay nhân 05 giống như hồi xưa các cô hay dạy tiếng Anh làm gì.
Nhìn vào cái bàn thì nghĩ là “der Tisch” ý, đừng nghĩ thành: cái bàn là der Tisch. Tớ đang muốn nói với các bạn về cách hình thành phản xạ đó nhé. Khi học một danh từ hay một động từ hay bất cứ từ mới nào khác, các bạn nhớ đặt câu với từ mới đó nhé, nó sẽ giúp cho các bạn nhớ từ và hiểu văn cảnh khi dùng từ.
3. Chú ý chủ ngữ và động từ khi viết câu
Đối với viết câu, thì có những nguyên tắc cũng như những mẫu ngữ pháp đơn giản trong trình độ A1 này thôi, nên cũng ko quá khó. Các bạn chỉ cần lưu ý động từ trong tiếng Đức đối với những câu chính luôn luôn đứng ở vị trí thứ 02 và chia nó. Rồi chú ý những danh từ và đại từ trong câu chia theo cách 1,3,4. Chú ý một chút cách sắp xếp vị trí thứ tự các thành phần trong câu. Để tránh những câu viết lủng củng, các bạn hãy học theo những câu Redemittel, cố gắng hiểu ngữ pháp của nó, và học thuộc, để cho chuyên nghiệp.
Nếu làm đủ các yêu cầu trên kết hợp thêm một số từ mới đơn giản, chắc chắn phần viết của bạn trên 24/25 điểm là điều không khó.
4. Hãy kiên nhẫn khi học nghe
Về phần nghe, cái này chắc nhiều bạn hãi, vì với một ngoại ngữ mới, vốn từ ko nhiều, rồi nghe lại chả hiểu gì là điều tất yếu. Thế này nhé, các bạn ko phải vội làm gì, nghe là phải kiên nhẫn chút. Tớ bảo rồi, phát âm đúng là nghe sẽ đúng, tập trung một tẹo, nên đừng coi thường phần phát âm của phần 01 kia nhé.
Trong mấy quyển sách giáo trình như Schritte, tớ thấy có phần nghe theo ảnh trước rồi mới vào phần phân tích ngữ pháp. Mọi người nghe xong rồi mới vào bài học ngữ pháp. Theo ý kiến cá nhân tớ, thì các bạn vào bài học ngữ pháp với từ mới trước đi, học kĩ từ mới vào rồi mới ra nghe cái phần ý. Bới vì với trình độ tiếng Đức A1, các bạn mới học, lượng từ mới còn chưa nhiều, có hiểu cái gì đâu mà mất thời gian ngồi đoán bài làm gì.
Ôn kĩ từ mới và ngữ pháp rồi, xong ra nghe, thử đoán xem, khi nghe thoáng qua thì đó là từ gì mình đã học. Rồi nghe đi nghe lại xem, họ phát âm thế nào, ngữ điệu của học ra sao, rồi mình bắt chước họ, cố gắng nói to lên, cho quen tai, quen mồm, nói càng nhiều càng tốt. Phần thi nghe thì các bạn chú ý về học số, thời tiết, học một số các cụm như “gehen ins Kino“, “zu Hause“… Phần số mới đầu nghe khá hoảng, nhưng phải luyện phản xạ cho quen vào các bạn nhé. Phải kiên nhẫn!
5. Chuẩn bị vốn từ mới phong phú
Về phần đọc, càng có nhiều từ mới thì các bạn càng dễ hiểu. Nên để hiểu và làm một bài đọc cho tốt thì các bạn chỉ cần chuẩn bị cho mình vốn từ mới thật phong phú, và đặc biệt chú ý những từ đồng nghĩa và trái nghĩa. Ví dụ trong đề bài là từ “rẻ – billig“, và có các phương án chọn đồng nghĩa là từ “không đắt – nicht teuer” thì tất nhiên là ta phải chọn phương án “không đắt” này rồi.
Thêm vào đó các bạn còn phải chú ý vào ngữ pháp của câu, chú ý đến chủ ngữ và động từ. Việc này nhằm giúp cho các bạn xác định được chủ thể thực hiện hành động, tránh nhầm lẫn lạc đề. “Ich liebe dich” và “Du liebst mich” là khác nhau. Một cái là “tôi yêu bạn” và một cái là “Bạn yêu tôi” tất nhiên là phải khác nhau rồi. Điều này cần lưu ý trong cả phần bài thi viết nhé, trong thi viết nhiều trường hợp cho là “Sie besucht Sie“.
Câu này có hai từ sie và nhiều người ko biết nghĩa là “Cô ấy đến thăm bạn” hay “Bạn đến thăm cô ý“. Điều đó làm cho có thể viết lạc đề, mà lạc đề là 0 điểm luôn. Nên các bạn chú ý một chút nhé. Phải chú ý động từ chia kìa, đừng để bị lừa. “besucht” ở đây đang chia ngôi số ít, nên chủ ngữ phải dịch là cô ấy. Và ta có phương án dịch là “cô ấy đến thăm bạn“.
Trên đây là một vài kinh nghiệm giúp các bạn ôn thi tiếng Đức A1 được hiệu quả. Chúc các bạn học và thi tốt nhé.
Bạn nào quan tâm đăng ký khóa học của mình tại đây nhé:
Facebook: Mai Mia
5 comments
E có on thì A1 không
HALO có ôn thi A1 nhé. Nếu bạn muốn đăng ký thì vui lòng qua HALO để được hướng dẫn cụ thể
Cho mình hỏi cô giáo Mai MIa h còn dạy không ? Mình muốn liên hệ với cô thì có thể liên hệ ntn ? Danke
Mình muốn học thi A1, vừa rồi mình bị rớt. Bạn biết mình bắt đầu học lại từ đâu bà học ở đâu. Cám ơn bạn nhiều
Chào bạn, bạn nên học ở viện Goethe để thi cấp chứng chỉ, để hiểu rõ hơn, bạn để lại sđt, HALO sẽ gọi điện tư vấn cụ thể co bạn.