Home Học tiếng Đức Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức

Chia sẻ kinh nghiệm học tiếng Đức

by HALO
chia se kinh nghiem hoc tieng duc

Tiếng Đức là một ngôn ngữ tuyệt vời, thế nhưng nó cũng là thách thức với vô vàn người học, nhất là những bạn mới bắt đầu hoặc những bạn học cấp tốc trong thời gian ngắn để có thể đạt trình độ B. Vậy làm thế nào để có thể học tốt được tiếng Đức trong một thời gian ngắn? Sau đây sẽ là chia sẻ của bạn Ann Nguyễn, người đã xuất sắc thi được trình độ B1 tiếng Đức trong vòng chưa đầy ba tháng. Hy vọng với những chia sẻ này, các bạn sẽ rút ra được chút ít kinh nghiệm và có phương pháp học đúng đắn cho bản thân.

1. Kĩ năng đọc

Mình ko luyện đọc chút nào. Trước hôm thi 1 ngày, mình làm thử 1 đề trong Zertifikat neu B1 để nắm được dạng đề thi thôi.

Lý do mình ko học kỹ năng đọc là vì mình có quá ít thời gian. Mình vội vàng hoàn tất xong ngữ pháp cơ bản của b1 vào ngày 30/5 và như vậy mình có tròn 15 ngày ôn thi cả 4 kỹ năng.

Mình cho rằng kỹ năng đọc chỉ cần có 2 thứ: ngữ pháp + từ vựng là sẽ ok. Tuy nhiên do ko có nhiều thời gian luyện căn thời gian nên hôm đi thi mình mắc phải sai lầm ko đáng có. Mình tích hết đáp án vào đề. Xong xuôi hết thì mới viết vào tờ bài thi. Thế là mình ko kịp viết hết đáp án. Chỉ cần 1 giây nữa thôi để tích nốt đáp án cho bài cuối cùng (4 câu) nhưng giám thị nhất quyết tịch thu bài làm của mình. Thế là đi toi hẳn 1 bài cuối cùng để trắng. Đi thi về vẫn tiếc ngẩn ngơ, nhưng lại nghĩ tại mình cũng ko ôn luyện gì nên chịu hậu quả là đúng.

Các bạn khác trong phòng thi làm bài còn thừa những 20 phút ngồi chơi, còn mình làm đến tận giây cuối cùng mà vẫn ko kịp. Nhưng mình làm đến đâu chắc đến đó nên mặc dù bị mất bài cuối cùng (4 trên tổng số 30 câu) thì mình vẫn được 73. Hihi

2. Kĩ năng viết

Mình cho rằng đây là kỹ năng gỡ điểm. Vì đề thi viết đã có form chung.

Teil 1 là viết thư informal thì các bạn cứ chọn sẵn mấy câu mở đầu và kết thúc để “tủ”. Như vậy khi đi thi sẽ ko mất thời gian cho mở bài và kết thư.

Ví dụ như viết thư kể về kỳ nghỉ thì mình cứ nhớ những câu đại loại như: “gestern bin ich aus meinen Ferien in….. zurueckgekommen. Ein Urlaub/ eine Reise dort war schon immer mein Traum…” hoặc khi kể về buổi gặp mặt/ tiệc/ họp lớp… thì nhớ câu như “es hat uns allen wirklich Leid getan, dass du zu unserem Treffen/Essen/ Party… nicht kommen konntest”.

Mình chỉ lấy ví dụ vậy thôi, các bạn phải tự linh hoạt trong bài viết của mình. Mình thấy cứ với mỗi chủ đề thì nên nhớ câu dẫn vào bài luôn để lúc vào phòng thi cứ thế mà vào đề, đỡ mất thời gian, còn lại nên tập trung viết đoạn nội dung cho hay.

Teil 2: Mình thấy chủ đề nào gây tranh cãi và có nhiều ý kiến khác nhau (chẳng hạn như có nên ăn chay, có nên cấm hút thuốc”…) thì mình cứ nên đồng ý hoàn toàn với ý kiến của người comment. Như vậy bạn chỉ cần dùng kiến thức của mình để phát triển thêm ý của người comment. Mở đầu chỉ cần câu: “Ich finde das Thema “….” Interessant. Ich bin mit meiner Meinung von Herr/Frau…. einverstanden, dass …..”

Sau đó nên viết rõ lý do đồng tình thứ nhất, thứ 2, thứ 3 ….

Mình thì chủ đề nào cũng đồng tình hết. Nếu bạn ko đồng tình thì bạn sẽ phải nêu lý do phản bác, rồi lại phải đưa ý kiến của mình. Như vậy sẽ phức tạp hơn và mất nhiều thời gian để nghĩ câu hay để viết.

Teil 3: teil này quá dễ vì nó có mẫu chung. Cũng giống Teil 1 các bạn nên chuẩn bị sẵn những câu mở đầu và kết thúc cho những tình huống hay gặp: nếu xin lỗi vì phải hủy lịch hẹn thì dùng những câu phổ biến nào để xin lỗi, xin lịch hẹn mới thì dùng câu gì, đặt phòng/chỗ thì dùng câu gì ….bài này tính ra có 3 câu thôi. Chỉ cần nhớ những mẫu câu phổ biến là viết quá đơn giản và ăn điểm cao luôn.

Kinh nghiệm của mình để viết được tốt cả 3 teil này là các bạn phải đọc bài mẫu thật nhiều. Chỉ cần đọc để học những cách viết câu và bố cục của người ta thôi. Đừng suốt ngày ngồi cặm cụi vắt óc ra để luyện viết. Luyện viết thực chất với mình là đọc + bắt chước. Nhưng đừng học thuộc hết cả bài của người ta nhé các bạn. Đọc đi đọc lại nhiều lần để nhớ những câu hay trong các tình huống phổ biến thôi.

Tất nhiên muốn viết hay thì các bạn phải chắc ngữ pháp và từ vựng đủ dùng.

3. Kĩ năng nói

Mình học vội nên trong suốt 2 tháng ban đầu ko hề học nói chút nào. Trước ngày thi 2 tuần mình bắt đầu học nói với cô giáo. Lúc đầu nói cũng ngượng nhưng 2 ngày nói liên tục thì thấy phản xạ tốt hơn nhiều. Chắc cũng vì mình là dân tiếng Anh nên cũng đã có phản xạ nói sẵn.

Nói tiếng Đức mình thấy dễ hơn tiếng Anh vì ngữ pháp tiếng Đức ít và đơn giản.

Teil 1 thì mình tự đọc bài mẫu rồi học cách nói của người ta. Teil 2 thì mình làm mẫu 1 số chủ đề và tự nói 1 mình. Nói một mình cũng vẫn giúp mình tăng phản xạ nói. Nói càng nhiều càng tốt. ngồi chán thì vừa đi đi lại lại trong phòng vừa nói. Nói như vẹt luôn 😀
Nhưng từ vựng cũng vô cùng quan trọng nhé các bạn.

4. Kĩ năng nghe

Kỹ năng thử thách nhất với tất cả mọi người. Học ngôn ngữ nào thì đây cũng là kỹ năng ko dễ nhằn chút nào. Ý thức như vậy nên ngay từ ngày đầu cắp sách đi học tiếng Đức thì mình đã chú ý kỹ năng này. Từ A1-1 thì mình đã nghe hàng ngày, chỉ cần nghe bài học trong giáo trình và sách bài tập thôi. Lên đến B1 thì mình vẫn chỉ nghe sách giáo trình và thêm cuốn luyện nghe B1 nữa. Trước ngày thi 2 tuần mình mới bắt đầu luyện nghe trong Zertifikat.

Muốn nghe tốt thì các bạn cần phải lưu ý ngay từ khi học A1. Đó là quá trình HỌC TỪ MỚI. Bắt đầu ngồi vào bàn học là mình đã mở ngay 3 loại từ điển: 2 trang từ điển Đức- Anh và 1 trang từ điển Đức – Việt (nhớ là đừng mở thêm trang Facebook bên cạnh nữa nhé, học mà có FB bên cạnh là phân tâm lắm đấy. hehe). Bình thường mình chỉ dùng từ điển Đức-Anh là chính vì họ dịch nghĩa chuẩn hơn, và có nhiều ví dụ mở rộng hơn, đồng thời phần phát âm cũng phong phú hơn. Còn các bạn ko học tiếng Anh thì vẫn nên dùng từ điển Đức – Anh cho phần phát âm. Phải mở sẵn từ điển để trong lúc học thấy từ là tra ngay và luôn. Theo mình học thành công 1 từ mới phải đảm bảo được các yếu tố: nhận diện được mặt chữ, viết được từ đó, hiểu nghĩa và nghe ra được từ đó trong một ngữ cảnh nhất định. Đó là lý do mình nói với các bạn lúc học từ mới nhất thiết phải học cùng từ điển. Tra từ xong phải click vào để nghe người ta phát âm từ luôn để quen với phát âm của từ đó, nó sẽ giúp ích cho cả kỹ năng nghe và nói của các bạn.

Với kỹ năng nghe thì từ vựng cũng vẫn vô cùng quan trọng. Mình đi thi nghe thấy người ta dùng nhiều từ đồng nghĩa. Nếu ko bắt được từ đồng nghĩa đó thì ko thể nghe ra được đáp án.

Trong bài nghe có teil đầu và teil cuối được nghe 2 lần, các bạn phải cố gắng lấy điểm cao nhất có thể ở 2 phần này. Nghe lần đầu là định hình đáp án, lần thứ 2 là củng cố lại quyết định của mình.

Với mình, một vấn đề nữa quyết định thành công khi thi nghe đó là vấn đề tâm lý. Mình học đại học ngành tiếng Anh 4 năm, tuần nào cũng vài lần lên phòng máy để nghe mà mỗi lần đi thi nghe vẫn thấy run bần bật. Vì kỹ năng nghe đòi hỏi sự tập trung cao độ. Nếu lúc thi bạn căng thẳng quá hay lơ đãng quá đều có thể dẫn tới việc bị bỏ rơi và ko theo kịp người nói. Cố gắng bám bài nghe càng sát càng tốt, người ta nói đến chỗ nào mình ko nghe ra cũng cố lắng tai nghe cho dù ko hiểu. Hết câu đó có thể sẽ đến câu bạn cần cho đáp án của mình. Cố gắng ko để tâm hồn phiêu diêu bất kể 1 giây nào, vì sau đó bạn sẽ bị mất nhịp nghe và dẫn đến việc hoang mang ở những câu tiếp sau. Nếu trót lỡ nhịp rồi, hãy bình tĩnh bám lại vào bài, nghe tập trung, chỉ cần bắt được 1 – 2 câu quan trọng, bạn sẽ biết được mình đang nghe đến câu hỏi nào.

Khi vào phòng thi nghe, trong lúc đợi, mình thường nhắm mắt, hít thở sâu, để tâm trạng thực sự bình tĩnh và thoải mái. Cố gắng quên hết mọi thứ xung quanh mình, gần như thế giới lúc đó chỉ tồn tại có mình và người nói trong bài nghe thôi.

Một điều quan trọng nữa chắc ai cũng biết là phải đọc kỹ và hiểu thật rõ câu hỏi của phần mình chuẩn bị nghe nhé. Cố gắng từ câu hỏi đó hình dung ra cái sườn của bài hội thoại thì càng tốt. Lúc đó mình sẽ dễ bắt được nhịp của bài nghe.

Trên đây mình chia sẻ một số điều mình đúc kết được trong 3 tháng học tiếng Đức vừa qua. Đây chỉ là kinh nghiệm của cá nhân mình. Mình hy vọng nó giúp ích được cho 1 số bạn đang có ý định học và thi. Nếu bài của mình ko giúp ích gì cho các bạn thì mình vẫn muốn động viên các bạn: Cố gắng làm hết sức mình. Đúng là học ngoại ngữ thì phải cần thời gian. Nhưng nếu bạn sử dụng lượng thời gian ít ỏi của mình thật là hiệu quả thì 3 tháng của bạn có thể hiệu quả tương đương 8 tháng của người khác.

Có thể bạn quan tâm:

You may also like

Leave a Comment